THÔNG TIN DU LỊCH SAPA
GIỚI THIỆU VỀ SA PA
Nằm ở phía tây bắc của Tổ quốc, Sa Pa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.
Tên Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại. Trong tiếng Quan Thoại phát âm là SaPả hay SaPá tức “bãi cát” do ngày trước khi có thị trấn Sa Pa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Từ hai chữ “Sa Pả”, người phương Tây phát âm không dấu, thành Sa Pa và họ đã viết bằng chữ Pháp hai chữ đó thành “Cha Pa” và một thời gian rất dài sau đó người ta dùng “Cha Pa” như một từ tiếng Việt. Về sau, từ này viết được thống nhất là Sa Pa.
Thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38 km và 376 km tính từ Hà Nội. Ngoài con đường chính từ thành phố Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Tam Đường, Lai Châu. Mặc dù phần lớn cư dân huyện Sa Pa là những người dân tộc thiểu số, nhưng thị trấn lại tập trung chủ yếu những người Kinh sinh sống bằng nông nghiệp và dịch vụ du lịch.
Tuy nằm ở miền Bắc Việt Nam, lẽ ra phải mang khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhưng do nằm ở địa hình cao và gần chí tuyến nên Sa Pa có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, ôn đới, không khí mát mẻ quanh năm. Vào mùa hè, thời tiết ở thị trấn một ngày như là có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, có nắng, không khí dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông.
HƯỚNG DẪN ĐI TỚI SA PA
Trong miền nam thì bắt buộc phải bay ra Hà Nội các bạn nhé. Phần hướng dẫn dưới đây sẽ áp dụng từ Hà Nội nhé.
Cách Hà Nội khoảng gần 400km, cách thành phố Lào Cai khoảng gần 40km, để lên được thị trấn Sa Pa hiện chỉ có các phương tiện đường bộ. Lựa chọn được đa số khách du lịch sử dụng là thuê xe ô tô từ Lào Cai lên Sa Pa, với một nhóm nhỏ các bạn có sức khỏe thì lựa chọn phương án đi xe máy.
Đi từ Hà Nội tới Lào Cai
Từ Hà Nội đến Lào Cai khoảng 300km, bạn có thể lựa chọn ô tô giường nằm hoặc tàu hỏa. Trước kia, đa phần khách du lịch chọn đi tàu hỏa bởi lúc đó thời gian di chuyển bằng tàu hỏa và ô tô là như nhau, không gian trên tàu hỏa thoải mái và rộng rãi hơn. Tuy nhiên, mọi thay đổi từ khi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai hoàn thành, lượng khách đi tàu sụt giảm mạnh (nên giá vé tàu giường nằm giờ rẻ hơn trước khá nhiều – 400k ở thời điểm 2017), đa phần khách du lịch chọn đi ô tô vì thời gian rút ngắn lại chỉ còn một nửa (4 tiếng so với 8 tiếng) với trước kia. Nói chung, nếu muốn một không gian thoải mái và an toàn hãy chọn đi tàu hỏa giường nằm. Nếu bạn muốn mang theo xe máy từ Hà Nội để tranh thủ lượn lờ những nơi khác ngoài Sa Pa hãy đi tàu hỏa. Nếu muốn đi nhanh hoặc nếu muốn có nhiều lựa chọn về thời gian cho các chuyến xe chạy vào ban ngày hãy lựa chọn đi ô tô giường nằm lên Lào Cai.
Từ Lào Cai lên Sa Pa
Từ Lào Cai lên Sa Pa khoảng 40km, đi mất khoảng 1h nếu không tắc đường. Từ Hà Nội các bạn có thể mua vé thẳng lên Sa Pa nếu đi bằng ô tô, một số nhà xe chạy thẳng lên Sa Pa, một số sẽ dừng tại Lào Cai và dùng những xe nhỏ hơn trung chuyển khách lên Sa Pa để đảm bảo an toàn (do đường Lào Cai – Sa Pa nhỏ hẹp, nhiều dốc và cua nguy hiểm).
Nếu mang theo xe máy lên Lào Cai rồi đi Sa Pa, các bạn đi theo QL4D để lên Sa Pa. Đường nhỏ và rất nhiều xe khách, xe container chạy (và thậm chí chạy với tốc độ cao) nên các bạn lái xe máy hết sức cẩn thận. Nếu thấy các loại xe này từ xa, tốt nhất cứ đi thật chậm hoặc dừng sát lề đường, không nên cố gắng ganh đua sẽ gây nguy hiểm cho bản thân. Lên đến thị trấn Sa Pa, nhớ đi đúng tốc độ quy định, đến các đoạn rẽ (kể cả các đoạn cua cong) hãy cứ nhớ bật đèn xi nhan, không được bỏ mũ bảo hiểm, không đi ngược chiều…Luôn có một chốt CSGT đứng ở ngay đầu thị trấn Sa Pa, đoạn rẽ vào vòng hồ để bắt xe máy vi phạm.
Đi từ Lào Cai lên Sa Pa bằng xe buýt
Xe buýt khởi hành từ quảng trường ga Lào Cai, kết thúc tại nhà thờ Sa Pa. Xe có từ rất sớm, ngay chuyến tàu hỏa sớm nhất đến ga là khoảng 5h30 thì cũng đã có xe sẵn sàng xuất bến chở khách. Tuyến xe buýt này thường dừng đón khách ở các bến trong Tp Sa Pa, đến chân đèo từ Lào Cai đi Sa Pa thì đủ khách rồi chạy thẳng.
Phương tiện đi lại ở Sa Pa
Xe máy
Thị trấn Sa Pa tuy nhỏ nhưng các điểm du lịch đều khá xa, khoảng từ 2 cho đến 20km. Nếu có kinh nghiệm đi xe máy vùng cao hoặc say xe ô tô bạn có thể thuê xe máy ở thị trấn Sa Pa để thuận tiện cho việc khám phá địa danh này. Phương án này cũng là phương án thích hợp để bạn có thể đi sâu vào các bản làng, dừng lại chụp ảnh hay chủ động làm bất cứ việc gì bạn thích.
Nếu không muốn lái xe máy nhưng vẫn muốn được ngồi trên phương tiện này để thoải mái hít thở không khí trong lành, cảm nhận trực tiếp cái không khí mát lạnh đến tê người của Sa Pa, các bạn hãy thuê xe ôm. Xe ôm ở Sa Pa rất sẵn và nhiều, tập trung quanh khu vực nhà thờ rất nhiều. Bạn có thể thuê xe ôm từng chặng, đến những điểm du lịch hoặc “hợp đồng” trọn gói đưa đi quanh Sa Pa trong thời gian bạn ở đấy.
Đi bộ
Nếu muốn kết hợp du lịch Sa Pa và rèn luyện sức khỏe, hãy lựa chọn phương án đi bộ (trekking) tới hầu hết các địa điểm du lịch ở Sa Pa nhé. Đây là phương án mà rất nhiều các bạn khách Tây thích, họ thường trekking từ trung tâm thị trấn tới các bản Tả Van, Tả Phìn hay Cát Cát. Nếu muốn đi bộ, hãy chuẩn bị cho mình một đôi giầy thật nhẹ và êm và có khả năng chống nước nhẹ từ trước khi lên Sa Pa nhé. Giầy cao gót, giầy da hay kể cả dép tông cũng không hợp cho lựa chọn này.
Taxi
Phương án sử dụng taxi phù hợp với những gia đình có trẻ nhỏ, người già hoặc với những bạn chỉ thích ngồi ô tô. Giá taxi ở Sa Pa thường được thỏa thuận giữa khách du lịch và lái taxi cho từng chặng (1 chiều hoặc khứ hồi).
Lưu trú ở Sa Pa
Trong những năm gần đây, Sa Pa đã có những thay đổi trong cách làm du lịch như xây dựng môi trường du lịch thân thiện với du khách, nói không với bán hàng rong và đeo bám khách du lịch. Cùng với đó, các cơ sở lưu trú ở Sa Pa ngày càng được đầu tư và phát triển, có thể đáp ứng được hàng chục nghìn lượt khách du lịch đổ về cùng một thời điểm.
Đặt phòng khách sạn ở Sa Pa
Có một điều mà các bạn chưa đi du lịch Sa Pa nên nhớ, giá phòng ở Sa Pa đặc biệt cao vào các dịp nghỉ lễ dài như 30-4 hay 2-9. Những dịp như này, giá một phòng đôi của một nhà nghỉ bình thường có thể lên tới >1000k, tức tương đương giá của một khách sạn 3-4 sao nhưng vẫn trong tình trạng kín phòng. Đấy là bởi vì lượng khách du lịch đổ về Sa Pa những dịp này vô cùng lớn, các khách sạn nhà nghỉ uy tín ở Sa Pa đều đã được đặt trước rất lâu nên những nhà nghỉ kiểu này mới có cơ hội chặt chém. Kinh nghiệm là các bạn nếu có kế hoạch đi du lịch vào những dịp đó, hãy đặt phòng trước từ 1-2 tháng, hãy đặt khách sạn online thông qua các mạng đặt phòng trực tuyến có uy tín như Agoda hoặc Booking, khi bạn đã thanh toán qua những mạng đặt phòng này, khách sạn sẽ luôn giữ phòng cho bạn.
Khách sạn ở Sa Pa
Ở Sa Pa hiện có hàng trăm khách sạn được đầu tư với chất lượng dịch vụ từ 1 sao tới 5 sao. Các khách sạn với vị trí càng đẹp thì giá thành càng cao với mức thấp nhất khoảng 1000k. Cùng Phượt có gợi ý danh sách một số khách sạn tốt ở Sa Pa, những khách sạn này có mức giá phòng tương đối phù hợp và chất lượng được đánh giá rất cao.
Nhà nghỉ ở Sa Pa
Ở Sa Pa, thực chất một số khách sạn nhỏ chỉ có chất lượng tương đương nhà nghỉ, tuy nhiên vẫn được gắn là khách sạn sẽ khiến nhiều du khách chưa từng đến Sa Pa gặp khó khăn trong việc lựa chọn. Những khách sạn/Nhà nghỉ này thường có giá phòng trong khoảng 200-300k cho ngày thường và tăng lên mức 500k-600k mỗi dịp cuối tuần.
Homestay ở Sa Pa
Loại hình du lịch – dịch vụ cộng đồng (homestay) lần đầu được triển khai ở Tả Van là vào năm 1997 bởi một người cựu chiến binh. Sau này, nhận thấy sự quan tâm từ du khách cùng với sự hỗ trợ và giúp đỡ từ các hướng dẫn viên du lịch, người đàn ông này đã bắt tay vào kinh doanh và cung cấp dịch vụ này cho khách. Dần dần, mô hình được nhân rộng lên ở các bản du lịch của Sa Pa như hiện nay. Riêng bản Tả Van hiện có khoảng hơn 150 hộ dân sinh sống và có tới hơn 50 hộ đăng ký làm mô hình du lịch homestay.
Khi đến với các bản du lịch homestay, các bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt với gia đình chủ nhà, tìm hiểu các phong tục tập quán của người dân vùng cao với chi phí thấp hơn nhiều so với khách sạn.
Các địa điểm du lịch tại Sa Pa
Nhà thờ đá Sa Pa
Nhà thờ cổ còn có tên là nhà thờ đá hay nhà thờ Đức Mẹ Mân côi nằm ngay giữa trung tâm thị trấn Sa Pa, được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Trước khi đặt những viên gạch móng đầu tiên cho công trình này, những người kiến trúc sư Pháp đã chọn lựa rất kỹ địa thế để xây dựng.
Nhà thờ Đức Mẹ Mân côi toạ lạc trên một vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, có thể phát triển nhiều công trình văn hóa phục vụ cho các hoạt động xã hội, đứng ở bốn phía đều có thể quan sát được di tích, cùng với hai công trình kiến trúc khác cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) tạo thành một hình tam giác cân đối với kiến trúc riêng biệt mang phong cách Pháp.
Việc chọn hướng của nhà thờ có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người Công giáo: Đầu di tích quay về phía Đông, là hướng mặt trời mọc, hướng đón nguồn sáng Thiên Chúa. Cuối nhà thờ (khu Tháp chuông) là hướng Tây, nơi sinh thành của Chúa Kitô.
Hình dạng và kiến trúc của Nhà thờ được xây theo hình thập giá theo kiến trúc Gotic La Mã. Kiến trúc đó thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn…đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát. Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá đẽo (tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ, bờ kè xung quanh) được liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía.
Phần tường của cánh thánh giá bên phải được tạo nhám như nhũ đá chảy xuống làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên cho di tích. Mái nhà lợp ngói, trần nhà bằng vôi rơm (nay làm mới). Đặc biệt trần ở phần gác chuông (gần quả chuông) là hỗn hợp của vôi, rơm, sắt, chưa sửa chữa lần nào.
Với tổng diện tích của khuôn viên nhà thờ hơn 6.000 m2, nhà thờ Sa Pa có đủ chỗ cho việc bố trí các khu bao gồm: Khu nhà thờ, dẫy nhà xứ, nhà ở của thầy tu, nhà chăn nuôi, nhà thiên thần, phần sân phía trước, hàng rào, khu Vườn Thánh. Dãy nhà xứ xây song song với khu nhà thờ gồm 5 gian.
Nhà thiên thần gồm: một tầng hầm, ba gian tầng trên là nơi cứu chữa người bệnh tật, người lữ hành qua đêm, khu để xác, công trình vệ sinh, bếp ăn, khu vườn thánh có hai ngôi mộ, 5 cây Kháo Vàng trên trăm tuổi, trong đó 4 cây mọc trên đá.
Khu nhà thờ gồm 7 gian rộng hơn 500 m2, phần tháp chuông cao 20 m, trong tháp có quả chuông cao 1,5 m, đúc năm 1932, nặng 500 kg, tiếng vang trong vòng bán kính gần 1km. Hiện, trên bề mặt của chuông còn rõ nét ghi đúc, số người quyên góp tiền đúc chuông…Phần giá đỡ chuông bằng gỗ pơmu vẫn giữ nguyên sau lần trùng tu.
Nhà thờ Mân côi giữa khu trung tâm Sa Pa là điểm hẹn của nhiều du khách mỗi khi có dịp đến đây. Tuy qua một số lần trùng tu, cải tạo do chiến tranh và sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên nhưng nhà thờ vẫn giữ được nét duyên dáng và hồn của công trình kiến trúc tôn giáo.
Từ khi được xây dựng đến nay, nhà thờ Sa Pa luôn là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hoá truyền thống của các dân tộc nơi đây. Ngay phía trước Nhà thờ là khu vực Sân quần và hàng thông lưu niên, nơi đây vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần thường diễn ra các sinh hoạt văn hoá độc đáo của các dân tộc thiểu số mà du khách quen gọi với cái tên “chợ tình”. Với tiếng sáo, kèn lá, đàn môi dìu dặt, tha thiết và những điệu xoè chao nghiêng của những chàng trai, thiếu nữ người Mông, Dao… Cùng với hoạt động cầu nguyện diễn ra trong những ngày cuối tuần tạo cho không gian của Nhà thờ thêm lung linh, huyền ảo và có sức lôi cuốn lạ thường.
Bảo tàng Sa Pa
Bảo tàng Sa Pa nằm trong khuân viên của Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai tại Sa Pa. Bảo tàng Sa Pa được thành lập và hoạt động theo mô hình của Nhà du lịch Arcachon (Bordeaux – Cộng hòa Pháp) từ năm 2007, Bảo tàng Sa Pa hiện đang lưu giữ khoảng 200 hiện vật, mô hình và nhiều ấn phẩm, phim tư liệu về các dân tộc ở Sa Pa như người H’Mông, Tày, Giáy, Xa Phó, Hà Nhì và Dao đỏ. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử hình thành thị trấn Sa Pa, cũng như khám phá đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa và trang phục riêng của từng dân tộc.
Chợ Sa Pa
Cập nhật thông tin: Đến cuối năm 2014, chợ Sa Pa đã bị di dời ra ngoài thị trấn, cách khu vực chợ cũ khoảng hơn 1km và nằm cạnh bến xe. Do phải đi bộ hơi xa trung tâm nên hiện nay chợ cũng không thu hút được nhiều khách du lịch như trước nữa.
Theo tập tục người dân tộc ở Sa Pa họp chợ năm ngày một phiên giống người miền xuôi. Sau rồi, khi người Pháp đến đây thì theo lịch Tây, chuyển sang ngày cuối tuần cho thuận tiện. Người Dao thường ra chợ Sa Pa vào tối thứ bảy, buổi tối hôm đó họ ở lại đêm tại chợ và hát giao duyên thâu đêm đến sáng. Và sáng hôm sau chủ nhật thì ra chợ mua sắm và trở về bản. Còn người H’Mông thì vào sáng chủ nhật mới đi chợ, nhưng dần dà họ bắt chước người Dao, đi từ chiều thứ bảy, buổi tối múa hát thổi kèn rồi lại giao duyên đến sáng chủ nhật mới họp chợ. Cho đến hôm nay thói quen ấy vẫn còn và chợ Sa Pa vẫn có bóng dáng của người Dao nhiều hơn. Vào buổi sáng chủ nhật, trên các nẻo đường dẫn đến thị trấn, người ta thấy nhiều người Dao từ chợ đi về bản và người H’Mông thì đi ngược lại từ bản ra chợ.
Theo như nhiều cụ già ở đây kể lại. Ngày xưa chợ Sa Pa đông vui lắm. Chợ họp ngay ngoài trời trên một bãi đất rộng. Đàn ông cưỡi hoặc dắt ngựa, vai đeo súng kíp và ngang lưng buộc dao bọc trong hộp tre. Họ tìm chỗ buộc ngựa và không quên tháo bịch cỏ mang trên lưng ngựa xuống cho nó nhai, bởi vì phiên chợ còn dài lắm. Người ta thồ trên lưng nấm hương, mộc nhĩ, củi, gạo, ngô, khiêng tre vầu, lá tranh và cả các thân cây gỗ to ra chợ để đổi lấy thịt, muối, kim chỉ, vải vóc…
Khi có sự xuất hiện của người Pháp, họ đã dựng một ngôi chợ gỗ rất to, mái bằng gỗ pơmu xẻ mỏng như kiểu mái nhà người H’Mông, trên chính mảnh đất của ngôi chợ bê tông ngày nay. Một góc trái của chợ là nơi buộc ngựa, còn ở chỗ rau bây giờ là các dãy máng cho ngựa ăn gọi là tràn ngựa. Xuống chút nữa là lối dẫn đến bản Cát Cát và dãy phố hoa kiều.
Đến năm 1995 thì chợ cũ bị phá đi và xây chợ mới bằng bêtông hai tầng khang trang như ngày nay. Mặc dù chợ mới xây kiên cố bề thế nhưng người dân lại thích đứng ngồi, đi lại tản mạn ra các hè phố chung quanh, ra sân nhà thờ mà buôn bán và trò chuyện. Vì thế chợ Sa Pa có nghĩa là cả một khu vực dài rộng, dọc theo các con đường khu vực phố cũ. Và thế là chợ Sa Pa hình thành, níu chân nhiều du khách với cái ấm áp tình người, để rồi ở Sa Pa, du khách sẽ thích thú với bao điều mới lạ của thiên nhiên và con người nơi này.
Chợ đêm Sa Pa
Chợ đêm Sa Pa là sản phẩm du lịch phục vụ du khách, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển, tạo điều kiện cho người dân bản địa có cơ hội giao thương, nâng cao thu nhập. Chợ đêm Sa Pa hoạt động từ 19h đến 23h tất cả các ngày trong tuần. Đặc biệt từ 21h tối thứ 7 hàng tuần, chợ đêm Sa Pa tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và vui chơi. Địa điểm tổ chức trên đường N1 gần Chợ văn hóa Sa Pa.
Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng là một ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với ý nghĩa “Hàm của rồng”. Hàm Rồng là một trong số ít các núi ở Việt Nam có yếu tố tượng hình rõ nét và đẹp.
Nằm sát thị trấn Sa Pa, cao gần 2000m, quanh núi Hàm Rồng có nhiều kiểu núi khác nhau; rừng kín thường xanh, với các loại cây lá rộng xanh quanh năm và các loại dây leo, bụi rậm chằng chịt, rừng hỗn hợp cây lá rộng, lá kim…
Vùng núi cao với đặc điểm là rừng thưa, ít rậm rạp, thỉnh thoảng có cây lá rộng xen kẽ. Cao hơn rừng kín thường xanh ẩm á nhiệt đới với đặc điểm rừng thưa, ít tầng hệ thực vật lá kim phát triển. Với độ cao của đỉnh núi thì hầu như không còn cây cối nhiều, chỉ có lác đác trúc núi (trúc lùn) và gió bụi thổi.
Cổng trời trên núi Hàm Rồng
Đường lên cổng trời ngó phía trước chỉ thấy trời xanh bao la, nhìn dưới chân toàn mây trăng giăng. Hết Cổng trời 1, dừng chân ở cổng trời 2 cao 1700m để được ngắm hình đầu rồng thật rõ. Lần theo vách đá là đường lên cổng trời một và hai, bạn sẽ đứng trên mỏm đá ngất ngây trong cảm giác bay lượn mà thoả mắt nhìn xuống toàn cảnh thành phố trong sương. Nơi đây trời đất gặp gỡ, kia là chàng mây không giấu giấc mộng với nàng đá, dưới ánh sáng mờ ảo lung linh. Tới đây không những được tận hưởng cảnh sắc của đất trời, mà còn thưởng thức không khí trong lành của khí trời Sa Pa.
Sân mây trên núi Hàm Rồng
Ở độ cao 1.800m, du khách phóng tầm mắt nhìn cảnh thung lũng SaPa huyền ảo thoắt ẩn thoắt hiện trong những cụm mây trắng bồng bềnh theo gió, đây là nơi để du khách có thể ghi lại những tấm ảnh đẹp toàn cảnh về Sa Pa.
Bản Cát Cát
Bản Cát Cát hay thôn Cát Cát là một làng dân tộc Mông thuộc xã San Sả Hồ nằm cách thị trấn Sa Pa khoảng 2 km. Đây là điểm tham quan hấp dẫn của du lịch Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung.Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19 do một bộ phận dân tộc ít người quần tụ theo phương pháp mật tập (dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét và sinh sống, trồng trọt canh tác ngay trên những sườn đồi quần cư).
Gần nơi quần cư, họ còn trồng lúa, ngô trên các nương bậc thang hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Họ biết trồng trọt, chăn nuôi, và bảo lưu khá tốt nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh và dệt vải. Nơi đây xứng đáng được xem là điểm du lịch văn hóa vừa là du lịch sinh thái lý thú dành cho du khách và là điểm du lịch văn hóa cộng đồng vệ tinh của Sa Pa.
Thác Tiên Sa
Thác Cát Cát hay còn gọi là thác Tiên Sa là một trong những thắng cảnh du lịch nằm trong bản Cát Cát, xã San Sả Hồ nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa chỉ 3 km về phía bắc. Từ thập niên 1920 của thế kỷ 20, một nhà máy thủy điện trung tâm đã được hình thành cạnh thác Cát Cát và cho đến nay vẫn được vận hành tốt
Bản Tả Phìn
Là một trong những tuyến du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn của huyện Sa Pa, Tả Phìn đã trở thành điểm đến của nhiều du khách khi tham quan Lào Cai. Tiết trời cuối đông, con đường vào thôn Sẻ Séng (trung tâm du lịch cộng đồng của Tả Phìn) bảng lảng những tảng mây mù bao phủ, lúc ẩn lúc hiện. Xa xa thấp thoáng tầng tầng, lớp lớp dãy núi xanh trong mây, trong sương và những bản làng của người Mông cheo leo trên sườn núi cao.
Bản Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng Đông bắc gồm hai dân tộc Dao và H’mông cư trú. Cách trụ sở UBND xã Tả Phìn gần 1km về phía Bắc có dãy núi đá vôi, một nhánh của dãy Hoàng Liên Sơn. Trong dãy núi này có một quả núi nhỏ, dưới chân núi nứt ra một cửa hang, chiều cao khoảng 5m, rộng khoảng 3m, mở ra một lối đi xuyên xuống đất.
Bản Tả Phìn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng. Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ngay gần đó. Trong hang có nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh…
Bản Lao Chải
Lao Chải là một xã của huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), nằm ngay trong thung lũng rộng và đẹp nhất – nơi có thể nhìn thấy từ thị trấn Sa Pa hay trên đỉnh Hàm Rồng. Cách trung tâm huyện chừng 7 cây số, Lao Chải không xa nên không ít người cuốc bộ từ thị trấn đến tận bản này.
Từ thị trấn men theo đường Mường Hoa qua khỏi những phố phường nhộn nhịp và sầm uất, du khách bắt đầu trải nghiệm một cuộc sống khác, đúng nghĩa của những bản làng. Vẫn theo con dốc Mường Hoa, đi trên con đường quanh co của đồi núi song song với dãy Hoàng Liên để đến Lao Chải. Đó là một bản làng khá đông đúc nằm cách đường lớn một con suối. Từ trên cao, du khách có thể quan sát những nếp nhà bình dị san sát nhau, rất đặc trưng của “phố xá” bản làng
Lao Chải nằm sâu dưới thung lũng. Bao quanh là núi và những thửa ruộng bậc thang. Ruộng ở đây được xếp hạng đẹp nhất Lào Cai và là một trong những danh thắng quốc gia. Từ bản nhìn ra xung quanh là dãy Hoàng Liên án ngữ, bên còn lại là dãy Hàm Rồng, rồi đến các tầng bậc thang trồng lúa nằm ở cấp thấp hơn. Ruộng kéo dài đến tận cửa nhà. Tưởng chừng như đó là những bậc thang nối liền Lao Chải với các ngọn núi để hòa mình vào mây lên tận trời cao.
Tầm tháng 9 trở đi, kéo dài đến tháng 4 năm sau là “mùa” của Lao Chải. Đó là lúc bản đẹp nhất. Thời điểm này, Lao Chải đang mùa thu. Những thửa ruộng bậc thang cao chót vót từ thung lũng sâu vắt lên lưng chừng trời vàng rực màu lúa chín. Mùa thu Lao Chải không chỉ có tiết thời ấm áp mà còn là mùa của lúa vàng, của tiếng gọi mời du khách.
Thung lũng Hoa Hồng
Đây là một khu du lịch sinh thái được đầu tư suốt 3 năm, được thiết kế cảnh quan sinh thái với gần triệu gốc hoa hồng, đào, mận, hồng giòn Hoa Kỳ, hạnh nhân Đài Loan… Cả khu có 11 nhà sàn gỗ Pơmu, lợp đá tự nhiên, nội thất trang trí hài hòa, nằm xen kẽ giữa những vườn hoa hồng Pháp tuyệt đẹp, các nhà sàn đều nhìn ra thung lũng Lao Chải với những thửa ruộng bậc thang, tất cả tạo nên một bức tranh đầy huyền ảo. Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, khu du lịch ATI đủ điều kiện để đưa vào phục vụ khách. Đến Thung lũng hoa hồng từ tháng 3 đến tháng 11 trong năm, bạn sẽ được thưởng thức mùi hương ngây ngất của triệu triệu đóa hồng nở vào mỗi sáng. Còn vào mùa đông thì những vườn đào, vườn mận sẽ cho bạn cảm giác như đang đi du lịch ở Nhật Bản vào dịp Tết âm lịch.
Bản Tả Van
Từ thị trấn Sa Pa, xuôi theo con đường mòn uốn lượn trên lưng chừng núi khoảng 10km, là đến với xã Tả Van. Nhiều du khách vẫn chọn phương tiện xe máy để đi, vì chỉ có đi xe máy, bạn mới có thể tận hưởng hết khung cảnh thiên nhiên cùng vô vàn những điều thú vị khác. Chỉ mất khoảng 100-120k bạn có thể thuê xe máy ngay tại Sa Pa để khám phá.
Theo tiếng của người Mông, Tả Van có nghĩa là “Vòng cung lớn”. Bản đẹp như một bức tranh, lưng tựa vào dãy Hoàng Liên Sơn, trước mặt là suối Mường Hoa trong trẻo uốn dòng. Từ Tả Van có thể đi lại rất thuận tiện sang các điểm du lịch nổi tiếng khác của Lào Cai như : Lao Chải, Cầu Mây, Tả Phìn…
Nhiều năm trở lại đây, Tả Van đã trở thành một trong những điểm đến cho những ai ưa khám phá, trải nghiệm. Trong không gian hùng vĩ của đất trời mây khói, Tả Van ẩn chứa nhiều “mắt nhìn” sâu thẳm – nơi mà người ta lên như để tìm thêm từng “mảnh quá khứ” của những người anh em núi cao vừa quen vừa lạ. Ở Tả Van còn sót lại tục thờ đá của người Việt cổ. Bên kia suối có khu chạm khắc đá cổ với gần 200 tảng đá to nhỏ các cỡ. Trên mỗi tảng đá khắc nhiều hình ảnh và hoa văn độc đáo của người xưa. Ngày ngày trong không gian ấy, người ta sinh sống, hoạt động, đi lên Sa Pa bán hàng thổ cẩm, đi chợ và nói chuyện cấy hái…
Thung lũng Mường Hoa
Nằm cách thị trấn Sa Pa 10km về phía Đông Nam, Mường Hoa là điểm đến hấp dẫn thu hút những bước chân lãng du đến với miền sơn cước. Thật không mấy khó khăn để nhận ra Mường Hoa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi, du khách sẽ bị “hút hồn” ngay bởi nét hữu tình của cảnh đất trời hội tụ tại đây. Thung lũng tuyệt đẹp này là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, nơi chứa đựng những vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời làm đắm lòng khách phương xa.
Bãi đá cổ Sa Pa
Ngoài vẻ đẹp thơ mộng , thung lũng Mường Hoa còn hấp dẫn du khách bởi tại đây có một bãi đá cổ kỳ bí, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa. Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ.
Cả quần thể bãi đá cổ có những hòn đá với hình khắc đẹp, tập trung ở Bản Pho. Với những hòn đá lớn, trên bề mặt có khắc những hình khác nhau. Đặc biệt là các dạng hình người ở nhiều tư thế: hình người dang tay, đầu tròn tỏa ánh hào quang; có hình người nắm tay nhau; có hình người lộn ngược; có hình những người cặp đôi với bộ phận sinh dục nối liền nhau như biểu hiện của tín ngường thờ sinh thực khí trên các hình vẽ của trống đồng Đông Sơn…
Cầu Mây
Cầu Mây cách thị trấn Sa Pa khoảng 7 km về phía Đông Nam, từ đường lớn, du khách đi theo con đường mới mở tuy hơi dốc và cua nhiều, nhưng đường đến Tả Van giờ đã được mở rộng rất thuận tiện.
Trước kia, đây là cây cầu duy nhất để các cư dân địa phương đi từ Xã Tả Van đến trung tâm thị trấn Sa Pa, do quá trình phong hoá nên cây cầu càng ngày càng xuống cấp. Đồng thời do sự phát triển của du lịch Sa Pa, lượng khách hiếu kỳ về một cây cầu đẹp ngày càng tăng nên người ta đã làm thêm một cây cầu mới bằng gỗ vững chãi nằm bên cạnh dành cho người dân địa phương đi lại còn cây cầu cũ thì được tu sửa lại và chỉ dành cho những du khách hiếu kỳ đến thăm quan.
Đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quý Hồ hay đèo Ô Quy Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là đèo nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng ở gần ranh giới giữa hai tỉnh.
Đèo Ô Quý Hồ được gọi theo tên bản Ô Quý Hồ nằm cạnh quốc lộ 4D và là bản ở rìa phía tây thị trấn Sa Pa. Ngoài ra, tên gọi đèo Hoàng Liên, hay đèo Hoàng Liên Sơn hình thành do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.
Đèo Ô Quý Hồ có cung đường đèo dài ngoằn nghoèo trên quốc lộ 4D, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50 km dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32 km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40 km, thuộc Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quý Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là “vua đèo vùng Tây Bắc”, một trong Tứ đại đỉnh đèo miền Bắc.
Cổng trời ở Sa Pa
Lâu nay khi nhắc đến cổng trời, người ta thường nghĩ đến Hà Giang, nơi có cổng trời Quản Bạ. Nhưng ít ai biết rằng Sa Pa cũng có một cổng trời. Đây là đỉnh đường bộ cao nhất Việt Nam có thể đi tới để chiêm ngưỡng đỉnh Phan Xi Păng – nóc nhà của Đông Dương.
Ra khỏi thị trấn Sa Pa, đi theo hướng Bắc theo hướng đi Lai Châu khoảng 18 km, đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp với những bóng nắng chạy dài thoắt ẩn thoắt hiện. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Con đường đèo này có tên là Ô Quy Hồ, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, và chính giữa nơi cao nhất của đèo Ô Quy Hồ chính là Cổng Trời.
Thác Bạc
Thác Bạc là một thắng cảnh thu hút nhiều du khách thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Thác nằm ngay cạnh quốc lộ 4D, tuyến đường huyết mạch để đến tỉnh Lai Châu và chỉ cách khu vực trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 12 km về hướng tây nên khá thuận lợi để thăm quan.
Thác Bạc có độ cao hơn 200m là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa với độ cao 1.800 m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng ở trung tâm thị trấn Sa Pa có thể nhìn thấy thác Bạc trắng xóa vào những hôm trời quang và đây cũng được coi là nguồn gốc tên gọi của thác. Từ trên khe núi cao, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xoá như những đóa hoa vì vậy được người dân gọi là thác Bạc.
Suối Vàng – Thác Tình Yêu
Thác Tình yêu thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 4km theo hướng tây nam. Đây là nơi nghỉ ngơi, an dưỡng lý tưởng và đến đây, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về huyền thoại một câu chuyện tình đầy lãng mạn.
Đường dẫn du khách đến thác Tình yêu là một con đường đất đỏ chạy qua khu rừng trúc xanh mướt, bạt ngàn mà thấp thoáng đâu đó, ánh lên vẻ đẹp dịu dàng của loài hoa đỗ quyên với những gam màu đỏ, trắng, vàng khá tươi tắn; hòa trong cảnh đẹp nơi đây, du khách sẽ thấy thoảng thoảng bên tai mình âm thanh xào xạc của cây rừng đang đu đưa trong gió… Khi đã đi hết đoạn đường này, du khách sẽ gặp một dòng suối, tiếp tục men theo dòng suối là du khách sẽ tới thác Tình yêu.
Thác Tình yêu có độ cao gần 100m. Thác bắt nguồn từ đỉnh Phan Xi Păng rồi mang theo hơi lạnh của núi rừng chảy qua nền địa hình cao, dốc, đổ xối xả, ào ạt xuống dòng suối Vàng tung bọt trắng xóa. Nhìn từ xa, du khách sẽ thấy dòng thác giống hình một chiếc nón; thấp thoáng sau từng lớp nước mỏng chảy ở hai bên rìa thác là một thảm thực vật rừng xanh tốt; dưới chân thác, con suối Vàng óng ánh nghiêng mình uốn lượn với hai bên bờ là những thảm cỏ xanh mượt trải dài dưới chân những bụi trúc gai…
Truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa, các nàng Tiên nhà Trời thường lui xuống đây tắm mát. Cứ mỗi lần xuống tắm, các nàng đều rất say mê, thích thú trước cảnh đẹp và không gian nơi đây. Một lần kia, nàng Tiên thứ bảy phát hiện ra có một chàng tiều phu đang nấu cơm bên dòng suối Vàng, trong lúc chờ đợi cơm chín, chàng đã lấy cây sáo trúc ra thổi. Tiếng sáo của chàng lúc trầm, lúc bổng; vang vọng cả núi rừng. Một lần, vì quá mải miết lắng nghe tiếng sáo của chàng, nàng quên mất là phải về Trời, rồi không chịu được đêm lạnh nơi núi rừng, nàng đã đến bên đống lửa của chàng sưởi nhờ. Đêm ấy, bên ánh lửa bập bùng, chàng tiều phu đã dùng chiếc sáo của mình thổi cho nàng nghe những tình khúc mê hồn, chàng thổi hay đến nỗi mà cả hươu, nai, hổ, báo và chim rừng… cùng nhảy múa và hòa theo giai điệu du dương của tiếng sáo,… Không gian sôi động đóng